Vốn ngoại chảy mạnh vào bất động sản TP.HCM

Sau sự sụt giảm trong 2 tháng đầu năm, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản TP.HCM đã bắt đầu trở lại mạnh trong tháng 3.

 

Trở lại vị trí dẫn đầu

 

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trong 3 tháng đầu năm, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, Thành phố thu hút được 1,55 tỷ USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ.

von-ngoai-chay-manh-vao-thi-truong-tphcm-1

Trong đó, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 254 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 288,80 triệu USD, tăng 23,3% số dự án cấp mới và tăng 4,3% vốn đầu tư so với cùng kỳ.

 

Cũng trong quý I/2019, TP.HCM có 53 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm 62 triệu USD, tăng 20,5% số lượt dự án và tăng hơn 15 lần về vốn đầu tư so với cùng kỳ.

 

Bên cạnh đó, Thành phố cũng chấp thuận cho 799 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 1,2 tỷ USD, tăng 19,8% về số trường hợp và tăng 19,2% về vốn đầu tư so với cùng kỳ. Trong đó, dòng vốn góp và mua cổ phần nhiều nhất đến từ hoạt động kinh doanh bất động sản, chiếm 23,8%.

 

Ngoài ra, 3 tháng đầu năm, Thành phố có 8.639 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 147.114 tỷ đồng, tăng 2,4% số lượng doanh nghiệp và tăng 46% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 7,1% số doanh nghiệp thành lập mới và 30,2% về số vốn đăng ký, cao nhất trong các ngành nghề.

 

Thực tế, trong quý I/2019, có nhiều doanh nghiệp bất động sản nước ngoài triển khai dự án mới tại TP.HCM.

von-ngoai-chay-manh-vao-thi-truong-tphcm-2

Đơn cử, Công ty Keppel Land triển khai Dự án Estella Place. Đây là dự án trung tâm mua sắm ngoại vi đầu tiên tại Việt Nam phục vụ cho các gia đình thành thị. Trải rộng trên 5 tầng với 37.000 m2 tổng diện tích sàn, Estella Place là khối đế bán lẻ của Estella Heights, chung cư cao cấp với tổng chi phí xây dựng khoảng 330 triệu USD.

 

Estella Place nằm gần Dự án Saigon Sports City, khu đô thị thông minh rộng 64 ha do Keppel Land hợp tác Keppel Urban Solutions, công ty chuyên về các giải pháp phát triển đô thị của Keppel triển khai. Saigon Sports City được định hướng phát triển thành một khu đô thị phức hợp sôi động đầu tiên của Việt Nam với các tiện nghi thể thao, giải trí, mua sắm và ẩm thực.

 

TP.HCM quyết tâm thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài

 

Thực hiện quyết tâm hút vốn đầu tư nước ngoài vào TP.HCM, ngày 31/3, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã tổ chức gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Ông Nhân cho biết, trong quý I/2019, dù vốn đầu tư nước ngoài vào TP.HCM tăng 20% so với cùng kỳ và vốn chủ yếu đổ vào lĩnh vực bất động sản, nhưng vẫn cần phải có chương trình kêu gọi doanh nghiệp lớn đầu tư vào TP.HCM.

 

Theo ông Nhân, Thành phố cần kêu gọi doanh nghiệp “đại bàng” ngoại bay tới mình, thậm chí mình tới nhà họ để mời gọi họ đến TP.HCM đầu tư.

 

Muốn thế, theo ông Nhân, cần phải thay đổi cách tiếp cận. Trước tiên cần xác định được các nhà đầu tư lớn để cử đoàn đến tận nước họ mời chào, kêu gọi đầu tư, chứ không thể thụ động ngồi chờ.

 

“Thời gian qua, Thành phố có một số hoạt động nhằm cải thiện môi trường đầu tư, như tổ chức gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài, hội thảo quốc tế về hợp tác công - tư (PPP), cũng như tổ chức các hội nghị chuyên đề, đã góp phần củng cố niềm tin đối với nhà đầu tư. Tuy nhiên, Thành phố cần phải tiếp tục nỗ lực thực hiện cải cách hành chính, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy thu hút đầu tư”, ông Nhân nói.

 

Đặc biệt, Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng cho biết, cơ hội của TP.HCM trong việc hút vốn đầu tư nằm ở Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; chương trình chỉnh trang đô thị… TP.HCM sẽ dựa trên những lợi thế này để kêu gọi doanh nghiệp ngoại rót vốn vào Thành phố.

 

Ngoài ra, TP.HCM có một lợi thế nữa để thu hút vốn đầu tư nước ngoài chính là các dự án PPP.

 

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó giám đốc phụ trách Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, dự kiến vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020 của Thành phố cần khoảng 78,5 tỷ USD, tăng 53% so với giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó, vốn đầu tư từ khu vực nhà nước dự kiến là 16,2 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 20%), vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước dự kiến là 48 tỷ USD (chiếm khoảng 61%) và vốn đầu tư từ khu vực nước ngoài là 14,3 tỷ USD (chiếm hơn 18%).

 

Tuy nhiên, trong 3 năm qua (2016 - 2018), tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 48 tỷ USD. Để hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020), thì tổng nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách sẽ phải cần 14,7 tỷ USD, nhưng khả năng cân đối từ ngân sách chỉ được 7,41 tỷ USD, chỉ bằng 52% nhu cầu đầu tư. Vì vậy, Thành phố rất cần huy động nguồn vốn xã hội hóa thông qua các dự án PPP.

 

Để đẩy mạnh mô hình PPP cho TP.HCM trong thời gian tới, bà Mai cho biết, Thành phố sẽ tổ chức thực hiện các cơ chế, giải pháp như hoàn thiện khung pháp lý về quản lý đầu tư theo hình thức PPP; xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư; huy động từ nguồn lực đất đai, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước để tạo vốn góp của Nhà nước tham gia các dự án PPP; xây dựng danh mục dự án mời gọi đầu tư theo hình thức PPP; đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ ODA kết hợp PPP…

 

“Thành phố đang thay đổi cách hút vốn PPP, đó là chính quyền phải đưa ra nhu cầu trong các dự án và làm đề xuất dự án chất lượng để các nhà đầu tư cân nhắc đưa ra phương án cung cấp dịch vụ công cho người dân.

 

Đồng thời, khi chính quyền có danh sách các đề xuất dự án đã làm, thì phải phân chia theo nhóm như nước thải, bệnh viện, cầu đường. Đối với mỗi nhóm phải có chuyên gia của chính quyền làm việc chung với chuyên gia của nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng thảo luận để xác định cụ thể các nội dung của một hợp đồng PPP cho một dự án PPP, chứ không có một khung hợp đồng nào dùng chung cho tất cả các dự án, hợp đồng”, bà Mai cho biết.

 

Với những nguồn lực và những chính sách đang được cải thiện, giới phân tích cho rằng, ngồn vốn ngoại vào TP.HCM trong năm 2019 sẽ tăng trưởng mạnh hơn năm 2018, trong đó phần chính sẽ chảy vào thị trường bất động sản, giúp thị trường có thêm động lực để phát triển mạnh hơn.

Theo ĐTCK