Tiềm năng của quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là đồ án cụ thể hoá quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đây là trục không gian đặc trưng cây xanh, mặt nước, cảnh quan, văn hoá lịch sử, với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hoá du lịch, dịch vụ, biểu tượng của thủ đô.

Mục tiêu hàng đầu là chống lũ, chỉnh trị sông Hồng

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng gồm diện tích khoảng 11.000ha, có độ dài khoảng 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, thuộc địa phận 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện của thành phố Hà Nội. Mục tiêu chủ chốt của quy hoạch là xây dựng đô thị theo nguyên tắc thuận thiên, phòng chống lũ và chỉnh trị sông Hồng là ưu tiên hàng đầu.

Không giống như các quy hoạch phân khu đô thị khác, không gian nghiên cứu đồ án quy hoạch đô thị sông Hồng cần đảm bảo yếu tố thoát lũ ngoài đê sông Hồng, với quy mô, tính chất phức tạp hơn. Đề án đề xuất 8 bãi sông được nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 5%-15% gồm: Hoàng Mai – Thanh Trì, Thượng Cát – Liên Mạc, Đông Dư – Bát Tràng, Tàm Xá – Xuân Canh, Chu Phan – Tráng Việt, Kim Lan – Văn Đức. 

Các bãi sông được định hướng phát triển thành khu đô thị mới hiện đại, quy hoạch nhà ở sinh thái chất lượng cao. Các công trình thiết kế có chức năng chống chịu lũ, giảm thiểu thiệt hại khi lũ xảy ra. Đồng thời, đề án còn định hướng không gian mở với các loại hình không gian công viên, quảng trường đô thị…

Tiềm năng tạo hệ sinh thái đô thị xanh bền vững

Với quy hoạch này, Hà Nội sẽ xây dựng, phát triển thành phố theo hướng quay mặt vào sông Hồng. Theo GS Đặng Hùng Võ: “nếu quy hoạch tốt hai bờ sông Hồng sẽ tạo nên hệ sinh thái đô thị xanh với cảnh quan đẹp mắt và khác biệt, không chỉ tạo không gian kinh tế mà còn giúp cải thiện môi trường sống”.

Dự thảo đồ án Quy hoạch sông Hồng hiện chưa được phê duyệt vì còn vướng Quy hoạch phòng chống lũ các tuyến sông có đê và quy trình theo Luật Quy hoạch. Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - ông Trần Ngọc Chính cho rằng: “Hà Nội mở rộng địa giới phải giữ được không gian cho sông Hồng, không nên xây dựng quá nhiều nhà cao tầng hai bên, lấy sông Hồng trở thành trục cảnh quan để người dân và du khách có thể tận hưởng được sông Hồng. Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng có nói xây dựng nhà cao tầng để tái định cư, công trình văn phòng, đó là định hướng đúng. Tuy nhiên phía sát bờ sông dứt khoát không xây dựng nhà ở mà chỉ là công viên, vườn hoa, sân chơi… tránh việc bị ngập khi lũ về.”

Ý kiến của một kiến trúc sư có nhiều năm làm việc tại nước ngoài, kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị nhận định: “Quy hoạch sông Hồng được đặt ra từ lâu, nhưng đồ án lần này có giá trị sâu sắc, cụ thể và khả thi hơn những đồ án trước. Đồ án đã đề cập đến không gian xanh là thoả đáng, đề cập đến vùng trũng để phòng ngừa thoát lũ, tuy nhiên phải tạo giá trị cho dòng sông với không gian xanh, dòng nước”.

Ở nhiều nước trên thế giới cũng xây dựng đô thị ven sông và giá trị tạo nên sự khác biệt giữa các đô thị chính là ở dòng sông đó. Việc tạo dựng điểm nhấn dọc hai bên sông cần được quan tâm nhiều. Chúng ta cần cố gắng xây dựng cho đôi bờ sông khang trang hơn, đồng thời nghiên cứu, tái tạo cảnh quan ngày một hoàn chỉnh.

Nguồn: Báo Xây dựng