Quý II, HOSE đón nhiều tên tuổi lớn
Tổng công ty cổ phần Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (mã HVN) dự kiến sẽ là doanh nghiệp “mở màn” chuyển sàn trong quý II/2019 khi đang thực hiện những khâu cuối cùng để niêm yết 1,4 tỷ cổ phiếu HVN trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE).
Lãnh đạo HOSE cho biết, các bên đang nỗ lực tối đa để đưa cổ phiếu HVN giao dịch trong tháng 4/2019. Hiện hồ sơ chuyển từ sàn UPCoM sang niêm yết trên HOSE của HVN đã được trình Hội đồng niêm yết xem xét và sẽ sớm được thông qua.
Là doanh nghiệp lớn nhất trong ngành hàng không Việt Nam, việc chuyển sang niêm yết trên HOSE sẽ giúp cổ phiếu HVN về đúng “sân” của mình, sau thời gian dài tập dượt trên sàn giao dịch của công ty đại chúng chưa niêm yết. Với nhà đầu tư, HVN có mặt tại sàn HOSE sẽ cung cấp cái nhìn đầy đủ hơn về cổ phiếu ngành hàng không Việt Nam trong mối tương quan với cổ phiếu VJC của VietJet Air.
Trong báo cáo phân tích về cổ phiếu HVN mới đây, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, việc chuyển sàn của HVN là thông tin đáng chú ý ở thời điểm này. Theo đó, cổ phiếu của Vietnam Airlines có thể nhận được sự quan tâm nhiều hơn của khối ngoại khi niêm yết trên sàn lớn. Tuy nhiên, điểm khó khăn là tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free float) của Vietnam Airlines khá thấp (6,22%), nên nhà đầu tư muốn mua lớn qua sàn là không thực hiện được. Đồng thời, cổ phiếu HVN khó được xem xét đưa vào rổ tính toán các bộ chỉ số.
Cụ thể, đối với Market Vectors Vietnam ETF, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng của cổ phiếu phải đạt tối thiểu là 10%, do đó Vietnam Airlines không đủ điều kiện. Thực tế này, theo BVSC, chỉ có thể thay đổi khi Nhà nước tiến hành thoái bớt vốn tại Vietnam Airlines. Tuy nhiên, nếu thoái vốn mà lại bán hết cho đối tác chiến lược thì tỷ lệ free float của Vietnam Airlines cũng sẽ không được cải thiện.
Đối với FTSE Vietnam Index ETF, đây là chỉ số duy nhất mã HVN đủ điều kiện về cổ phiếu tự do chuyển nhượng để được đưa vào tính toán. Với quy định về thời gian niêm yết tối thiểu là 3 tháng, sớm nhất mã HVN được xét là vào tháng 9/2019.
Về triển vọng kinh doanh, năm 2019, Vietnam Airlines dự kiến sẽ nhận mới 22 máy bay, bao gồm 17 chiếc A321 neo, 3 chiếc B787-10, 2 chiếc A350; đồng thời trả 3 chiếc (2 chiếc A330 thuê vận hành, 1 chiếc A321 thuê), đưa tổng số máy bay của Vietnam Airlines lên 112 chiếc. Nếu nhu cầu bay không tăng tương xứng, tỷ lệ lấp đầy của Vietnam Airlines dự kiến có thể sẽ giảm trong năm 2019 do áp lực từ số lượng máy bay nhận mới tăng mạnh.
Ngoài việc đón thêm cổ phiếu HVN lên sàn, lãnh đạo HOSE cho biết, số lượng cổ phần niêm yết mới tại HOSE dự kiến sẽ tăng mạnh trong thời gian tới do có nhiều doanh nghiệp chuyển từ sàn HNX, UPCoM sang.
Cuối tháng 3/2019, HOSE đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết của Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 - PECC2 (mã TV2). TV2 có vốn điều lệ 123 tỷ đồng, đã định chuyển sàn từ HNX sang HOSE trong năm 2018 nhưng chưa thực hiện được. TV2 niêm yết trên HNX từ tháng 10/2009 và được biết đến là một trong những doanh nghiệp có hiệu quả sinh lời cao nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Năm 2017, TV2 dẫn đầu về chỉ số thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) khi đạt 36.574 đồng/cổ phiếu. Năm 2018, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của TV2 ghi nhận 1.840 tỷ đồng và 224 tỷ đồng, EPS đạt 18.201 đồng /cổ phiếu do TV2 đã phát hành cổ phiếu thưởng tăng vốn gấp đôi.
Cổ phiếu TV2 hiện đang giao dịch ở mức giá 133.900 đồng/cổ phần (phiên ngày 3/4), tăng gần 30% trong 1 năm qua và cao hơn 20 lần so với thời điểm niêm yết (đã điều chỉnh). Lãnh đạo TV2 cho biết, Công ty đang chờ HOSE chấp thuận hồ sơ niêm yết, nếu mọi việc suôn sẻ, dự kiến cổ phiếu TV2 sẽ có mặt trên sàn HOSE trong quý II/2019.
Công ty cổ phần Kosy (mã KOS) cũng đã nộp hồ sơ chuyển sàn sang HOSE vào tháng 3/2019 sau khi lỡ hẹn với cổ đông việc này trong năm 2018. Kosy đăng ký giao dịch 41,5 triệu cổ phiếu trên sàn UPCoM từ 8/12/2017. Sau đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ năm 2018, vốn điều lệ của KOS đã đạt con số nghìn tỷ đồng.
Theo lãnh đạo KOS, việc chuyển sàn sang niêm yết trên HOSE sẽ giúp Công ty nâng tầm thương hiệu với kỳ vọng sẽ thuận lợi hơn trong việc huy động vốn. Được biết, năm 2018 KOS đạt 901,5 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 47,8 tỷ đồng.
Tại Công ty cổ phần DIC số 4 (mã DC4), Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) của doanh nghiệp vừa thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên 360 tỷ đồng và chuyển niêm yết từ HNX sang HOSE, thực hiện trong năm 2019.
Thị trường chứng khoán kỳ vọng sôi động hơn
Mùa ĐHCĐ mới đi được chặng đầu, nhưng đã có khá nhiều doanh nghiệp xin ý kiến cổ đông việc chuyển sàn và chưa có đại hội nào các cổ đông… phủ quyết.
Ở một số doanh nghiệp, kế hoạch chuyển sàn mới chỉ được thông qua tại ĐHCĐ, nhưng giá trên sàn đã có chuyển động xanh cho thấy, cổ đông, nhà đầu tư đánh giá cao bước chuyển của doanh nghiệp khi hội đủ các yếu tố cần thiết bước lên sàn có điều kiện cao hơn. Đơn cử, giá cổ phiếu TV2 “xanh” 3 phiên liền ngay sau khi có thông tin nộp hồ sơ chuyển sàn. Giá cổ phiếu MBS của Công ty Chứng khoán MB cũng có diễn biến tương tự khi Công ty công bố ý định chuyển sàn trong tài liệu chuẩn bị trình trước ĐHCĐ.
Trong khối tài chính, một số ngân hàng có cổ phiếu giao dịch trên sàn UPCoM đang khởi động kế hoạch chuyển sang niêm yết trên HOSE như Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (mã VIB), Ngân hàng Kiên Long (mã KLB), Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (mã LPB)… Ngoài ra, ÐHCĐ năm 2018 của Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) cũng đề cập đến kế hoạch niêm yết trên HOSE trong năm 2019.
Sau 1,5 năm giao dịch trên UPCoM, LPB đã thông qua việc chuyển sàn sang HOSE, vấn đề chỉ còn ở thủ tục. Cùng với nội dung chuyển sàn, LPB cũng sẽ phát hành cổ phiếu năm 2019 để tăng vốn điều lệ. Mới đây, LPB đã hoàn tất việc tăng vốn từ 6.523 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng, thông qua phát hành cho cán bộ, công nhân viên.
Thông tin về việc chuyển sàn luôn nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, đặc biệt là các cổ đông. Những kỳ vọng trong ngắn hạn đến từ hiệu ứng thông tin có thể khiến giá cổ phiếu chuyển động xanh trong một số phiên. Tuy nhiên, trong dài hạn, nhà đầu tư hiện nay có cái nhìn sát với thực tế sức khỏe kinh doanh của doanh nghiệp để xác định việc trả giá.
Sau quý I, thị trường chứng khoán giao dịch với thanh khoản thấp (chỉ bằng 30-50% so với cùng kỳ 2018 tùy sàn). Quý II, dòng tiền nội vẫn khá thận trọng và thờ ơ với diễn biến co kéo điểm số từ các cổ phiếu vốn hóa lớn.
Theo Công ty Chứng khoán VNDIRECT, dòng tiền của khối ngoại đang mua vào đều đặn và là lực đỡ cho thị trường ở thời điểm hiện tại. Đối với các doanh nghiệp có xu hướng chuyển sàn từ UPCoM sang HOSE, VNDIECT cho rằng, đây là một tín hiệu tốt, các doanh nghiệp sẽ phải cải thiện chính mình khi lên sàn lớn hơn và cổ phiếu cũng sẽ nhận được sự chú ý hơn từ nhà đầu tư, đặc biệt là khối ngoại.
Đánh giá về cơ hội đầu tư đối với các doanh nghiệp chuyển sàn, ông Võ Văn Cường, Giám đốc Đầu tư, Công ty Chứng khoán Everest nhận xét, khi xem xét đầu tư, nhà đầu tư thường quan tâm đến các chỉ số của doanh nghiệp hơn là thông tin chuyển sàn niêm yết đơn thuần. Dù vậy, đây cũng là thông tin đáng chú ý, nhất là với những nhà đầu tư ngắn hạn.
Trong bức tranh chung toàn thị trường, ông Cường chia sẻ, nhóm các công ty có mức vốn hóa trung bình từ 1.000-13.000 tỷ đồng đang có định giá P/E ở mức 9,3 lần, thấp hơn mức bình quân trong 10 năm qua (10 lần). Trong khi, nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình được dự báo lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng, có thể đạt 25% trong năm 2019. Theo đó, P/E dự phóng ở mức 7,4 lần, thấp nhất trong lịch sử giao dịch của nhóm cổ phiếu này, nên thị trường điều chỉnh cũng là cơ hội giúp các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận tốt năm 2019.
Theo TNCK