Ông Phạm Thanh Hưng: CENLAND đã thay đổi rất nhiều từ khi có nhà đầu tư ngoại

Trước thềm niêm yết, ông Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch CENGROUP (công ty mẹ của CENLAND) đã có những chia sẻ với Người đồng hành về quan điểm của công ty khi nhận vốn và vai trò của nhà đầu tư ngoại.   Ngày 5/9, 50 triệu cổ phiếu CRE của CTCP Bất động sản Thế kỷ (CENLAND) chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE). Trước khi lên sàn, doanh nghiệp phân phối bất động sản này đã nhận được đầu tư của Dragon Capital và VinaCapital. Hai quỹ ngoại hàng đầu tại thị trường Việt Nam hiện nắm 25% cổ phần của CENLAND.   Nằm trong số ít doanh nghiệp bất động sản được quỹ ngoại rót vốn trước khi lên sàn, ông có thể chia sẻ về quá trình CENLAND nhận đầu tư từ VinaCapital và Dragon Capital - hai đơn vị mà sự đầu tư đồng thời của họ thường được xem là “dấu đảm bảo” về uy tín?   Khi tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, chúng tôi không chỉ tiếp xúc với VinaCapital và Dragon Capital mà có khoảng 6-7 đơn vị. Trong số này có 5 quỹ đang có mặt ở Việt Nam, 2 quỹ hoạt động ở Singapore và Australia. Có những quỹ đưa ra đề nghị khá đơn giản và dễ dàng nhưng yêu cầu tỷ suất đầu tư rất cao. Chúng tôi đã từ chối.   CENLAND tiếp nhận đầu tư từ VinaCapital và Dragon Capital vì họ có kinh nghiệm đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, có khá nhiều cổ phần tại các công ty trong ngành này. Chúng tôi muốn có những lời tư vấn, lời khuyên của các cổ đông chiến lược để hỗ trợ chuyên môn chứ không phải chỉ là tiền vốn.  

ong-pham-thanh-hung-cenland-da-thay-doi-rat-nhieu-tu-khi-co-nha-dau-tu-ngoai

Ông Phạm Thanh Hưng - Phó chủ tịch CENGROUP

  CENLAND trước và sau khi nhận vốn từ quỹ ngoại có gì thay đổi không, thưa ông?   Thực tế trước và sau hợp tác với các quỹ của chúng tôi đã khác rất nhiều. Hội đồng quản trị, lãnh đạo họp liên tục trong gần 2 năm mới đi đến việc giải ngân. Trong hơn 1 năm kể từ thời điểm ký hợp tác chiến lược đến lúc đó, chúng tôi đã thay đổi từng ngày để phù hợp với những vấn đề từ quản trị, sửa đổi liên tục các kế hoạch kinh doanh để các cam kết trở thành hiện thực.   Chúng tôi thực sự đánh giá rất cao sự tham gia của các quỹ. Họ rất chuyên nghiệp và cử người hỗ trợ chúng tôi rất nhiều. Do đã có kinh nghiệm đầu tư trong lĩnh vực bất động sản, các quỹ đã đưa ra các thông tin tham chiếu về các doanh nghiệp trong ngành và đưa ra lời khuyên cho chúng tôi trong việc định hướng kinh doanh, những góc nhìn mà trước đây chúng tôi không đánh giá được hết. CENLAND là một trường hợp hết sức đặc biệt khi là doanh nghiệp thuần dịch vụ bất động sản đầu tiên lên sàn chứng khoán. Khác với doanh nghiệp sản xuất, sự khác biệt của chúng tôi được bồi đắp từ cả một quá trình chứ không phải nhận được tiền là tạo ra sự khác biệt. Quá trình chuẩn bị, tiếp nhận đầu tư quả thật đã làm cho CENLAND hoàn thiện lên rất nhiều.   Có ý kiến cho rằng doanh nghiệp nhận vốn muốn tăng trưởng nhanh, nhưng lại không đáp ứng được các tiêu chuẩn quản trị khắt khe thì cũng giống như bơi thuyền thúng ra biển. Ông nghĩ sao về điều này?   Đúng. Đấy cũng là một vấn đề. Chúng tôi hiện rất nỗ lực trong việc hấp thụ vốn. Không như trước đây đặt mục tiêu 100 triệu thì đâu đó chỉ cần hấp thụ khoản vốn 50 triệu là có thể tạo ra khoản doanh thu đó. Bỗng nhiên chúng ta được rót vốn 200 triệu thì mục tiêu doanh thu 400 triệu là rất khó khăn. Thị trường ở đâu, sản xuất ở đâu, dự án ở đâu, quản trị như thế nào?... Chạy một dự án thì được nhưng số dự án tăng gấp đôi, gấp ba thì cũng là một vấn đề.   Tôi nghĩ những điều này chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng. Doanh nghiệp phải có kế hoạch để chuẩn bị tăng vốn, sử dụng vốn rồi những dự báo về tăng trưởng phải sát thực, phù hợp với năng lực điều hành và thị trường bên ngoài. Hai yếu tố đó mới quyết định mở rộng đầu tư thành công chứ không phải chỉ cần có tiền thôi là xong. Ví dụ một người bán nước chè có thể đạt lợi nhuận 400% nhưng mở rộng quy mô thành doanh nghiệp triệu đồng còn khó chứ chưa nói đến triệu USD. Ngành đó không có khả năng phát triển quy mô.   Sau câu chuyện lùm xùm của Ba Huân và VinaCapital, liệu CENLAND có lo ngại câu chuyện một quỹ nước ngoài vào doanh nghiệp sẽ chiếm quyền điều hành và tham gia sâu vào vấn đề quản trị của công ty không? Làm thế nào để hài hòa mối quan hệ giữa các bên?   Tôi không nghĩ các quỹ lớn đều muốn tham gia sâu vào điều hành. Thông thường, với mức vốn đầu tư dưới 10-15 triệu USD, họ không quan tâm đến công tác quản trị. Đến 30 triệu USD thì họ mới cử người giám sát và lên đến 50 triệu thì họ có người làm ủy viên hoặc thành viên quản trị độc lập. Trên 50 triệu USD thì mới có người ngồi trong Hội đồng quản trị chính thức. Tất nhiên mỗi quỹ có quan điểm khác nhau nhưng nguyên lý chung là họ muốn giám sát, không muốn điều hành. Khi tham gia đầu tư với tư cách là “Shark”, chúng tôi cũng không muốn đầu tư với tỷ lệ chi phối nên chỉ loanh quanh 10-15%, hiếm lắm đến 40% giá trị doanh nghiệp.   Trong thời điểm nhất định, nhà đầu tư nắm quyền chi phối do cảm thấy doanh nghiệp đang có rủi ro quá lớn, kết quả kinh doanh quá thấp so với công bố và dự phóng ban đầu… Khi đó họ mới từng bước nắm quyền điều hành, vực lại công ty để tránh trường hợp bị mất vốn. Anh cam kết 6 tháng đầu năm đạt lợi nhuận mấy chục triệu USD nhưng chỉ đạt được dưới 50% tức là công ty có vấn đề, quản trị có vấn đề… Như với doanh nghiệp sản xuất thì nhà đầu tư sợ nhất là chuyển giá.   Chiếm quyền điều hành trong những trường hợp như vậy không phải là dở. Như khi bạn đang lái xe, lái non quá, yếu quá, buồn ngủ quá, sắp tai nạn… thì bảo để tôi lái thay cho, đâu có gì là sai. Tôi lái thay để vượt qua quãng đường nguy hiểm này vì tôi có kinh nghiệm hơn. Sau đó tôi lại trao lại cho các bạn cơ mà, có gì đâu mà phải căng thẳng.   Như vậy, để người khác nắm quyền điều hành cũng không phải câu chuyện dở nếu chúng ta lường trước được điều đó và vấn đề trao quyền thì chúng ta trao trong bao lâu và trao như thế nào. Sau khi trả lại cho tôi thì có kèm điều khoản điều kiện gì không? Tất cả những câu chuyện đó đều có thể đưa ra đàm phát hết.   Như vậy, CENLAND có dự định như thế nào trong việc tiếp tục mời gọi đầu tư từ bên ngoài?   Chúng tôi rất cởi mở trong việc đấy và sẽ còn tiếp tục kêu gọi đầu tư. Tiếp nhận được dòng vốn, kèm theo năng lực trình độ quản trị tốt là điều chúng ta phải ghi nhận ở nhà đầu tư ngoại khi họ đầu tư gián tiếp vào doanh nghiệp.  

PV