Officetel vẫn phải đợi chính sách

Loại hình công trình căn hộ văn phòng ngoài chức năng sử dụng làm văn phòng còn được sử dụng để lưu trú ngắn hạn. Việc này được hiểu là những người làm việc tại văn phòng đó có thể tạm trú tại căn hộ ngoài thời gian làm việc (khác với dạng văn phòng truyền thống chỉ sử dụng làm văn phòng làm việc).

Như vậy, việc lưu trú này là có điều kiện, cần giới hạn về thời gian và phải có cơ chế quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng lợi dụng để sử dụng căn hộ văn phòng thành nhà ở, dẫn tới tình trạng tăng dân số, gây quá tải hệ thống hạ tầng đô thị.

Chính vì vậy, ngày 23/4/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, trong đó giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, ban hành quy chế quản lý vận hành loại hình công trình văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel). Để triển khai thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Xây dựng đã tổ chức nghiên cứu xây dựng Thông tư, ban hành Quy chế quản lý vận hành loại hình công trình officetel. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nghiên cứu vẫn vấp phải những vướng mắc.

Cụ thể: Về cơ sở pháp lý và thẩm quyền ban hành thì hệ thống pháp luật hiện hành như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh BĐS, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng chưa có khái niệm, quy định pháp lý về loại hình công trình này; Về lưu trú và quản lý lưu trú vẫn còn nhiều bất cập; Về thủ tục hành chính; Về điều kiện kinh doanh; Về xử phạt vi phạm hành chính.

officetel-van-phai-doi-chinh-sach

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM, Luật Đất đai năm 2013 quy định, dự án officetel thuộc loại hình sử dụng đất phi nông nghiệp, "loại đất thương mại, dịch vụ", được giao đất có thời hạn tối đa 50 năm (tại các khu vực đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa, tối đa là 70 năm); Các chủ đầu tư dự án officetel được quyền cho thuê officetel trong thời hạn được giao đất.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, khoảng vài ba năm trở lại đây, mô hình officetel đã phát triển rầm rộ, đặc biệt tại TP. HCM với khoảng 40-50 dự án. Do đây là loại hình BĐS mới, có sự pha trộn về chức năng nên hệ thống pháp lý chưa kịp thời điều chỉnh. Vướng mắc lớn nhất là vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (lâu dài hay ngắn hạn), vì căn hộ loại này không phải hoàn toàn dùng để ở, cũng không phải văn phòng, ông Nam cho biết thêm.

Tuy nhiên, về vấn đề này, Nghị định 01/2017 hướng dẫn Luật Đất đai cũng có quy định: Trường hợp nhà chung cư có mục đích hỗn hợp, trong đó có một phần diện tích sàn nhà chung cư được sử dụng làm văn phòng, cơ sở thương mại, dịch vụ thì mục đích sử dụng chính của phần diện tích đất xây dựng nhà chung cư được xác định là đất ở. Như vậy, trong cùng một tòa nhà chung cư, có khối căn hộ bên trên, một số tầng làm văn phòng, căn hộ dịch vụ, văn phòng lưu trú (officetel), khối đế làm thương mại, dịch vụ... thì chế độ sử dụng đất của toàn bộ tòa nhà chung cư này được áp dụng chế độ sử dụng đất ở (ổn định, lâu dài).

Ông Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng chia sẻ, từ các khó khăn vướng mắc và trên cơ sở ý kiến của Bộ Tư pháp và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng nhận thấy, với thực trạng hiện nay, việc ban hành Quy chế quản lý vận hành loại hình officetel theo hình thức Thông tư là chưa đảm bảo cơ sở pháp lý theo quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của xã hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc ban hành Quy chế quản lý vận hành loại hình căn hộ officetel, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện theo hướng: Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định quy chế về quản lý vận hành loại hình officetel theo quy định khoản 3 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Theo Thời báo Ngân hàng