Các phân khúc bất động sản diễn biến ra sao trong mùa dịch Covid-19?

Báo cáo nghiên cứu thị trường BĐS Việt Nam quý 2/2021 của Colliers Việt Nam, bất chấp khó khăn do dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam vẫn có được sức bền và có nhiều tín hiệu lạc quan trong quý 2/2021.

GDP quý 2/2021 ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm ngoái, GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64%, cao hơn so với mức tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn mức tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019. 

Đối với thị trường bất động sản, có nhiều diễn biến trái chiều, tùy theo từng phân khúc. 

Đối với phân khúc văn phòng trong quý 2/2021 ghi nhận không có nguồn cung mới. Tuy nhiên, dự báo nguồn cung tương lai sẽ khá dồi dào, riêng tại Tp.HCM sẽ có hơn 55,000 m2 sàn văn phòng mới sẽ trong năm nay. Giá thuê ở 3 thị trường lớn là Hà Nội, Tp.HCM và Đà Nẵng có xu hướng giảm nhẹ do tác động của dịch bệnh. Để thích ứng với tình hình mới, nhiều mô hình văn phòng mới, linh hoạt và sáng tạo đã được giới thiệu thời gian qua. 

Thị trường bất động sản Việt Nam "chờ thời" khởi sắc

Phân khúc bất động sản bán lẻ cũng không có nguồn cung mới tại 3 thành phố lớn. Theo khảo sát, tại Tp.HCM, giá thuê trung bình tại các trung tâm thương mại trong khu vực trung tâm đã giảm 15%, trong khi các khu vực còn lại giảm khoảng 30%. Tại Hà Nội, con số này cũng giảm theo khu vực tương ứng là 10% và 25%. 

Với phân khúc căn hộ trong quý 2 tại Tp.HCM đa phần đến từ khu vực ngoài trung tâm thì tại Hà Nội hầu hết nguồn cung mới là giai đoạn tiếp theo của các dự án phát triển hiện hữu. Nhằm thích ứng với các thách thức vì đại dịch Covid-19, nhiều chủ đầu tư đã tận dụng công nghệ và các chính sách hỗ trợ đặc biệt để thích ứng với trạng thái "bình thường mới".

Đối với biệt thự - nhà phố, tại Tp.HCM khu đông và phía nam là 2 khu vực thu hút nhiều nhà đầu tư, điển hình phía đông có dự án Vinhomes Grand Park và phía nam có GS Zeitgeist Nhà Bè, Lovera Park Bình Chánh. Hơn 70% nguồn cung mới quý này đến từ giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện có. Lượng bán nhà phố thương mại và nhà phố được hấp thụ khá tốt với người mua là các nhà đầu tư cá nhân. 

Tại Hà Nội, trong phân khúc này nhà phố thương mại chiếm 45% tổng nguồn cung, nhà phố 35% và biệt thự chiếm 20% nguồn cung. Bất chấp đại dịch, thị trường biệt thự và nhà phố tại Hà Nội vẫn hấp dẫn, với đa phần các giao dịch đến từ thị trường thứ cấp.

Giá chào thuê căn hộ trung bình đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Colliers Việt Nam nhận định triển vọng trong ngắn hạn của phân khúc này không có nhiều tín hiệu lạc quan và tùy thuộc nhiều vào FDI với lượng lớn chuyên gia nước ngoài cùng tốc độ tiêm vắc xin.

Về bất động sản công nghiệp, số lượng khu công nghiệp tại Tp.HCM và Hà Nội vẫn giữ nguyên trong quý vừa rồi. Giá thuê đất công nghiệp trung bình ở mức 175 USD/m2/kỳ tại Tp.HCM, tăng nhẹ so với quý trước. Tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 85%, tương đương với quý trước. Ở Hà Nội, giá chào thuê đất công nghiệp trung bình vẫn ở mức 140 USD/m2/kỳ và tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 90%.

Theo các chuyên gia kì vọng chiến lược tiêm vắc xin trên toàn quốc để đạt miễn dịch cộng đồng sẽ sớm thành công. Đây là điều kiện tối quan trọng để giúp nhiều hoạt động kinh tế ổn định trở lại, trong đó có thị trường bất động sản dần hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ.

Nguồn: Café F